Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Yên Bái: Những kết quả đáng khích lệ

12/04/2018 13:50:15 Xem cỡ chữ Google
Xuất phát từ thực tiễn Yên Bái có nhiều tiểu vùng khí hậu, trình độ và tập quán canh tác của người dân khác nhau..., ngành nông nghiệp đã chủ động chia Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành 8 đề án thành phần gồm: chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả có múi, chè vùng cao, ngô đông trên đất 2 vụ lúa, cây quế, cây tre măng Bát độ, cây sơn tra.

Nông dân huyện Văn Chấn thu hoạch lúa.

Từ năm 2015, tỉnh Yên Bái bắt đầu thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Với cơ chế, chính sách hợp lý, biết lựa chọn ngành nghề, cây, con phù hợp và tạo được sự đồng thuận, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và bà con nông dân cùng sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Yên Bái đã thu được những kết quả bước đầu rất tích cực với hàng loạt sản phẩm có khối lượng lớn, chất lượng cao..., mở ra cơ hội phát triển cho nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống người nông dân.

Mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nhằm khai thác triệt để lợi thế điều kiện tự nhiên, phát huy sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp theo định hướng của cơ chế thị trường; chuyển mạnh từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún sang hình thành các vùng sản xuất trồng trọt và chăn nuôi tập trung, sản xuất theo chuỗi, liên kết giữa các hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Xuất phát từ thực tiễn Yên Bái có nhiều tiểu vùng khí hậu, trình độ và tập quán canh tác của người dân khác nhau..., ngành nông nghiệp đã chủ động chia Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành 8 đề án thành phần gồm: chăn nuôi; nuôi trồng thủy sản; cây ăn quả có múi; chè vùng cao; ngô đông trên đất 2 vụ lúa; cây quế; cây tre măng Bát độ; cây sơn tra.

Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án, Yên Bái đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất tập trung như: vùng lúa hàng hóa chất lượng cao trên 2.500 ha, vùng ngô hàng hóa 15.000 ha, vùng chè 11.000 ha, vùng tre măng Bát độ trên 2.600 ha, vùng quế 56.000 ha, vùng cây nguyên liệu giấy trên 60.000 ha... Xu hướng giảm dần độc canh cây lúa trong khi cây ngô, cây lấy củ, cây lấy sợi, chè; cây ăn quả, nuôi trồng và khai thác thủy sản có tốc độ tăng mạnh cả về diện tích, năng suất và sản lượng.

Đặc biệt, hình thức sản xuất đã bắt đầu đi theo hướng liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị. Việc áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và các quy trình an toàn, kỹ thuật khác đã được các cơ sở sản xuất áp dụng ngày một nhiều. Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tưởng như rất khó khăn thì nay đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay các tập đoàn kinh tế lớn trong nước như: Vingroup, TH True-milk, Hòa Phát với các dự án trồng rau an toàn, trồng cỏ nuôi bò sữa, nuôi lợn công nghệ cao... Bên cạnh đó là nguồn lực đầu tư hàng trăm tỷ đồng của doanh nghiệp và hộ nông dân với các mô hình chăn nuôi, trồng trọt quy mô nhỏ ở khắp các huyện, thị trong tỉnh.

Điển hình trong xây dựng mô hình chuyên canh tập trung quy mô lớn, tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp với người dân trong sản xuất là các huyện: Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Trấn Yên.

Đến nay, riêng huyện Văn Yên đã hình thành vùng chuyên canh lúa hơn 1.000 ha, vùng chuyên canh sắn công nghiệp trên 7.000 ha, vùng quế 40.000 ha, vùng chè 700 ha. Toàn huyện đã hình thành 3 cụm công nghiệp (Bắc Văn Yên, Tây cầu Mậu A và Đông An) phục vụ cho 34 doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản với thị trường tiêu thụ chủ yếu là xuất khẩu.

Thành phố Yên Bái đang có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế hết sức mạnh mẽ, trong đó công nghiệp, thương mại và dịch vụ chiếm tỷ lệ lớn. Dù vậy, nông nghiệp vẫn có sự tăng trưởng mạnh nhờ tái cơ cấu nông nghiệp cận đô thị. Hưởng lợi từ cơ chế chính sách hợp lý, nông dân các xã ven đô như: Tuy Lộc, Âu Lâu, Tân Thịnh, Văn Phú... đã tạo ra nhiều dòng sản phẩm tươi sống, an toàn phục vụ đô thị, nhiều mô hình chăn nuôi an toàn, rau sạch đã ra đời. Đến nay, đã có 3 doanh nghiệp đầu tư, thu hút 106 hộ tham gia canh tác rau sạch trên khu vực quy hoạch hơn 70 ha, mỗi ngày cung cấp cho thị trường thành phố hàng chục tấn rau, quả tươi an toàn.

Những kết quả bước đầu mà Đề án mang lại là rất tích cực. Bộ mặt nông nghiệp, nông thôn đã thực sự khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm. Tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh đã có 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới. 

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Đề án vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục vấn đề, như: an toàn vệ sinh thực phẩm, giá trị gia tăng trong sản xuất nông lâm nghiệp thấp, sản xuất còn phụ thuộc vào thiên nhiên hay như tình trạng làm theo phong trào, phá vỡ quy hoạch, được mùa mất giá; chưa có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông lâm nghiệp...

Đó là những vấn đề mà tỉnh, ngành nông nghiệp cũng như nông dân cần có những giải pháp thích hợp nhằm đưa nông nghiệp Yên Bái thực sự phát triển.

 

1119 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h