Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Yên Bái: HTX tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo

27/01/2020 08:02:56 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Đến tháng 12/2019, toàn tỉnh Yên Bái có 415 hợp tác xã (HTX) với 26.888 thành viên. Các HTX đã tạo công ăn việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số, liên kết cùng hàng nghìn hộ nông dân trong sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo…

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh (ngoài cùng bên phải) thăm mô hình HTX tổng hợp Đông Yến (xã Đông An, huyện Văn Yên).

Nhiều chính sách thiết thực

Kinh tế tập thể tỉnh Yên Bái đã có bước phát triển nhanh, mạnh cả về bề rộng lẫn chiều sâu. HTX hình thành và phát triển rộng khắp từ vùng thấp đến vùng cao và tập trung vào các lĩnh vực mà Yên Bái có lợi thế như chế biến chè, gỗ rừng trồng, các sản phẩm từ quế, miến đao, măng tre Bát độ, nuôi trồng thủy sản... Đến tháng 12/2019, toàn tỉnh Yên Bái có 415 hợp tác xã (HTX) với 26.888 thành viên. Các HTX đã tạo công ăn việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số (DTTS), liên kết cùng hàng nghìn hộ nông dân trong sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo… Doanh thu của các HTX đạt trên 2 tỷ đồng/HTX; lãi bình quân của HTX đạt 425 triệu đồng.

Lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản có tổng số 249 HTX chiếm 60% tổng số HTX với số lượng trên 8 nghìn thành viên HTX. Các HTX mang lại thu nhập bình quân cho người lao động khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Theo đánh giá, các HTX nông, lâm, ngư nghiệp đa số theo mô hình tổng hợp, kết hợp giữa dịch vụ sản xuất và chế biến, cung cấp các dịch vụ đầu vào và bao tiêu một phần sản phẩm đầu ra cho thành viên. Nhiều hợp tác xã đã đẩy mạnh liên kết với một số doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh hình thành chuỗi sản xuất giá trị từ khâu cung cấp giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, chế biến cho đến tiêu thụ, cung cấp sản phẩm cho thị trường…

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã tập trung phát triển HTX nông nghiệp đa ngành nghề gắn với các vùng nguyên liệu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh gắn với nhu cầu, lợi ích của các thành viên; tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng chuỗi giá trị sản phẩm; nâng cao vai trò, đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó, kinh tế tập thể mà nòng cốt các HTX đã có phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều HTX được củng cố, đổi mới về tổ chức và hoạt động, trong đó xuất hiện một số HTX điển hình như: HTX dịch vụ tổng hợp Kiên Thành - huyện Trấn Yên, HTX dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận - huyện Văn Chấn, HTX quế hồi Việt Nam xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên... đang khẳng định vai trò trong nông nghiệp nông thôn

Cùng với đó, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đạt được một số kết quả nhất định. Các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX như: hỗ trợ về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới, thành lập mới, tổ chức lại hoạt động của HTX… đã tạo được nguồn lực hỗ trợ cho kinh tế tập thể, HTX phát triển. Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể,  HTX trên địa bàn tỉnh Yên Bái được cho là đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế tập thể, HTX phát triển, thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc cho kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế tư nhân, người lao động nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Những mô hình HTX đi vào hoạt động đã phát huy được khả năng hợp tác của các HTX từ khâu cung cấp nguyên liệu đầu vào, khâu hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, sơ chế cho đến tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, góp phần tạo việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho thành viên HTX. Hiện nay tỉnh Yên Bái đang định hướng cho các HTX trên địa bàn triển khai xây dựng và phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị như: dâu tằm tơ, các sản phẩm rau an toàn, sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng,...

Cho nhiều “quả ngọt”

Hiệu quả của các chính sách hỗ trợ HTX đã cho nhiều “quả ngọt”. Đó là nhiều mô hình HTX nổi bật, điển hình với cách làm mới, phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị đã hình thành và phát triển, kinh doanh hiệu quả.

Để chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây nông nghiệp khác có giá trị kinh tế cao và tạo công ăn việc làm nâng cao thu nhập cho nông dân. HTX trồng hoa Nậm Khắt mới được thành lập đã thuê 10 ha đất ruộng trồng lúa kém hiệu quả của người dân huyện Mù Căng Chải. Hiện nay HTX đang tiến hành san gạt và trồng được gần 3ha hoa hồng, cũng theo HTX cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục thuê nhân công để trồng hoàn thiện diện tích hoa. Dự kiến sau khi HTX đi vào hoạt động ổn định sẽ tạo điều kiện cho khoảng 400 lao động tại chỗ trong đó có 200 lao động thường xuyên và 200 lao động thời vụ. Hầu hết các lao động đều là người DTTS tại địa phương.

Mặc dù mới đi vào hoạt động được 2 năm nhưng HTX Thái Sơn ở thôn 2, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên là một trong số những HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012 có hiệu quả. HTX Thái Sơn chuyên cung ứng giống cây trồng các loại cho người dân trên địa bàn huyện. Từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, HTX đã cung ứng được trên 2 vạn giống cây cam sành, trên 6.000 giống cây bưởi và các loại cây nông nghiệp khác cho 24/24 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Việc HTX ra đời, cung cấp giống cây và tìm đầu ra cho sản phẩm góp phần tạo động lực cho bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cùng với việc kinh doanh, sản xuất giống cây trồng và vật tư nông nghiệp, HTX còn tư vấn miễn phí cho người dân về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, sử dụng phân bón phù hợp, đúng cách, tìm đầu ra cho sản phẩm... HTX đã tạo được niềm tin và sự gắn kết giữa HTX với thành viên và người dân. Nhiều hộ có điều kiện kinh tế khó khăn sau khi liên kết với HTX sản xuất trồng cây ăn quả đã trở nên khá giả.

HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên được ví như cánh chim đầu đàn trong phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tiền thân là tổ hợp tác (THT) trồng tre măng Bát độ, năm 2015, HTX Kiên Thành tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX 2012, số lượng thành viên tham gia HTX tăng lên 25 thành viên với vốn điều lệ 3 tỷ đồng.

Ông Trần Ngọc Sử - Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành cho biết: HTX ký trực tiếp với người nông dân trồng tre măng Bát độ, đầu tư vật tư, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch; đồng thời, thu mua toàn bộ sản phẩm do nông dân sản xuất. Đến nay, HTX đã liên kết với 200 hộ dân trồng tre măng Bát độ và xây dựng được vùng nguyên liệu tre măng Bát độ với diện tích trên 300 ha. "Hàng năm, HTX đã tiêu thụ 90% sản lượng măng tre Bát độ của thành viên HTX và người dân. Đến nay, doanh thu HTX đạt trên 12 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động với thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng và hàng trăm lao động mùa vụ người địa phương”.

Ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: "Các HTX đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và làm thay đổi căn bản đời sống của người dân và bộ mặt nông thôn; là "đòn bẩy” trong xây dựng nông thôn mới.

1299 lượt xem
Thanh Thủy

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h