Sản xuất nông, lâm nghiệp tăng trưởng cả 3
mặt (năng suất, sản lượng và chất lượng); giá trị công nghiệp - tiểu thủ công
nghiệp tăng gần 12% so với cùng kỳ, thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2016 đạt 103
tỷ đồng. Đó là những tín hiệu khẳng định những quyết sách đúng đắn của Đảng bộ
huyện trong chặng đường đầu thực hiện các mục tiêu nghị quyết đại hội Đảng các
cấp đã đề ra.
Đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo
Hơn một năm nay, định kỳ các đồng chí trong
Ban Thường vụ Huyện ủy, thường trực HĐND, UBND huyện Văn Chấn thường luân phiên
tổ chức các buổi làm việc, đối thoại với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các
xã, thị trấn. Trong các buổi làm việc này, ngoài việc tìm hiểu về công tác phát
triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, đơn vị thì nội dung mà các đồng chí
lãnh đạo đặc biệt quan tâm là tư tưởng của nhân dân trong thực hiện các chỉ
thị, nghị quyết của các cấp và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát
triển kinh tế - xã hội ở cơ sở.
Thông qua các buổi làm việc, đối thoại này,
nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, vấn đề quản lý, quy hoạch đất
đai hay thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới được giải quyết. Đơn
cử như những khó khăn trong quản lý, quy hoạch, chuyển đổi những diện tích chè
kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi ở thị trấn Nông trường Trần Phú đã được
tháo gỡ, tạo điều kiện cho chính quyền thị trấn có hướng quy hoạch và vận động
nhân dân mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cam, quýt.
Đồng chí Phạm Văn Thành - Bí thư Đảng bộ
thị trấn Nông trường Trần Phú cho hay: “Việc tạo điều kiện cho nhân dân chuyển
đổi một số diện tích chè kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi đã cởi nút
thắt trong quá trình phát triển diện tích cam ở thị trấn.
Từ chỗ xâm lấn, trồng xen cam, quýt vào các
diện tích chè, đến nay nhiều hộ đã mạnh dạn phá bỏ, đầu tư cải tạo bài bản để
có vườn cam chất lượng hơn. Đối với cấp ủy, chính quyền thị trấn cũng mạnh dạn
đưa vào nghị quyết đến năm 2020 nâng tổng diện tích cam lên 700 ha”.
Mục tiêu tổng quát của nhiệm kỳ 2015 - 2020
là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống
chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy dân chủ và truyền thống đoàn kết, huy
động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững,
nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giữ vững an ninh chính
trị, trật tự an toàn xã hội.
Trên tinh thần đó, trong nhiệm kỳ 2015 -
2020, Đảng bộ huyện Văn Chấn tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển
nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới; nâng
cao đời sống của nhân dân.
Để Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhanh
chóng đi vào cuộc sống, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng chương trình
hành động, chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng quán triệt học tập Nghị quyết Đại hội
đến tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân; chỉ đạo các địa phương, ban, ngành,
đoàn thể căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình để tham mưu xây dựng kế hoạch
hoạt động cho từng năm, trong đó xác định cụ thể các nhiệm vụ trọng tâm, các
mục tiêu cần đạt trong năm để triển khai thực hiện.
Hàng năm, phát động phong trào thi đua yêu
nước và thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh, vận động nhân dân thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết
kiệm, xây dựng đời sống văn hóa.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực
hiện Nghị quyết, định kỳ Ban Thường vụ Huyện ủy, thường trực HĐND, UBND huyện
đã tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện của các cơ quan, đơn
vị, địa phương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình
thực hiện.
Qua kiểm tra, các chi, đảng bộ đã nghiêm
túc tổ chức quán triệt triển khai Nghị quyết Đại hội đến cán bộ, đảng viên và
nhân dân; tập trung xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết phù
hợp với từng đơn vị, địa phương; xác định rõ các nhiệm vụ cần tập trung thực
hiện, phân công cá nhân phụ trách và thời gian hoàn thành.
Đồng chí Đinh Văn Thuyên - Bí thư Đảng bộ
xã Sơn A cho hay: “Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX về
phát triển nông nghiệp hàng hóa, Đảng bộ xã đã đánh giá lại tiềm năng thế mạnh
của địa phương và xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện thắng lợi
mục tiêu này. Ngoài việc vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu giống lúa theo
hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, thì việc chuyển đổi một số diện tích lúa
kém hiệu quả sang trồng màu, nuôi thủy sản cũng được quan tâm, chú trọng. Đến
nay, cơ cấu giống lúa chất lượng cao của xã đã đạt trên 75%, nhiều mô hình
trồng màu, trồng hoa và nuôi thủy sản đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt”.
Những tín hiệu khả quan
Nhờ triển khai một cách đồng bộ, với cách
làm khoa học, sáng tạo và quyết tâm chính trị cao, việc thực hiện Nghị quyết
Đại hội Đảng bộ huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đạt những kết quả bước
đầu quan trọng.
Từ đầu năm đến nay, sản xuất nông nghiệp
tăng cả 3 tiêu chí (năng suất, sản lượng và chất lượng); tổng đàn gia súc đạt
trên 126.000 con, tăng trên 3.000 con so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp,
tiểu thủ công nghiệp đạt 750 tỷ đồng, tăng 11,83% so với cùng kỳ, thu ngân sách
đạt trên 103 tỷ đồng, bằng 79% dự toán tỉnh giao. Trong Chương trình mục tiêu
quốc gia xây dựng nông thôn mới, hầu hết các xã đều đạt từ 8 -15 tiêu chí và có
2 xã đã đạt 19/19 tiêu chí đang chờ tỉnh thẩm định phê duyệt.
Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm
nghiệp, huyện đã tập trung thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; vận
động nhân dân chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng
hóa và rải vụ. Huyện đã lập quy hoạch ổn định đến năm 2020, diện tích lúa hàng hóa
ở khu vực Mường Lò là 500 ha, diện tích chè toàn huyện 4.500 ha chè, quế 4.000
ha và diện tích cây ăn quả trên 3.800 ha.
Thông qua việc xây dựng và triển khai có
hiệu quả các Đề án Hỗ trợ phát triển cây ăn quả có múi, phát triển chè Shan
vùng cao, bảo tồn, phát huy giống nếp Tan ở xã Tú Lệ và hỗ trợ chăn nuôi đại
gia súc tập trung, theo hướng bán chăn thả, đã khích lệ tinh thần nhân dân tạo
ra những vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung.
Chuyên canh lúa hàng hóa gắn với đưa cơ
giới hóa vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp ở Văn
Chấn.
Hiện tại, huyện đã nghiệm thu đợt I với 53
mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô vừa và nhỏ đáp ứng các tiêu chuẩn
của Đề án. Đã có 25 mô hình được tỉnh Yên Bái hỗ trợ kinh phí 525 triệu đồng,
trong đó có 10 hộ chăn nuôi trâu, bò theo hướng bán chăn thả quy mô 10 con trở
lên, 5 hộ chăn nuôi gia cầm quy mô 1.000 con trở lên, 5 hộ chăn nuôi lợn thịt quy
mô 100 con/lứa và 5 hộ chăn nuôi lợn nái sinh sản quy mô 15 con/lứa.
Ngoài ra, còn hàng chục hộ khác đã đăng ký
xây dựng mô hình đang chờ thẩm định, phê duyệt. Huyện cũng đã quy hoạch và đề
ra mục tiêu đến năm 2020 trồng mới 1.455 ha cam, quýt tại các xã vùng ngoài.
Trong 9 tháng đầu năm nay, đã hỗ trợ cây giống giúp nhân dân trồng mới và trồng
hoàn thành trên 216 ha cam, quýt.
Đồng chí Trần Văn Mộc - Bí thư Huyện ủy Văn
Chấn khẳng định: “Những kết quả đạt được trong chặng đường đầu thực hiện nghị
quyết đại hội Đảng các cấp là khá toàn diện. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu
lâu dài và ổn định, Đảng bộ huyện đã xác định cần tập trung vào 7 nhiệm vụ
trọng tâm về xây dựng Đảng; thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây
dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn và xây dựng nông thôn mới".
"Trong các nhiệm vụ đó, huyện xác định
khâu đột phá trong phát triển kinh tế là phát triển công nghiệp; phát triển
nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới và phát
triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế -
xã hội của nhân dân trên địa bàn huyện”- Ông Mộc cho biết.
Dù mới ở chặng đường đầu thực hiện nghị
quyết đại hội Đảng các cấp, nhưng Văn Chấn đã đạt được những kết quả rất quan
trọng. Kết quả đó, không chỉ khẳng định những chủ trương, quyết sách đúng đắn
của Đảng bộ huyện trong lãnh chỉ đạo triển khai thực hiện các mục tiêu phát
triển kinh tế - xã hội mà còn là nền tảng động lực để cán bộ, đảng viên và nhân
dân Văn Chấn nỗ lực hơn nữa hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh
tế - xã hội đã đề ra.