Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Kinh tế

Xây dựng nông thôn mới Huyện Trấn Yên: Nỗ lực không ngừng, “cán đích” hiệu quả

12/04/2018 09:57:24 Xem cỡ chữ Google
Qua 7 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), huyện Trấn Yên đã có 10/21 xã đạt chuẩn NTM và phấn đấu đến năm 2020 trở thành huyện NTM đầu tiên của Yên Bái.

Nhân dân huyện Trấn Yên tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Nhiều giải pháp hiệu quả

Những năm qua, bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng chung sức của nhân dân, khu vực nông nghiệp, nông thôn của Trấn Yên đã có nhiều khởi sắc, đời sống người dân cải thiện; kết cấu hạ tầng được đầu tư và từng bước hoàn thiện.

Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, xuất phát điểm thấp, đời sống nhân dân chủ yếu sản xuất nông lâm nghiệp là chính, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Song, với sự chỉ đạo tích cực, quyết liệt, đồng bộ và sự nỗ lực, chung sức chung lòng của người dân, sau 7 năm triển khai thực hiện chương trình XDNTM, Trấn Yên đã có 10 xã/tổng số 21 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 100% số xã đạt từ 9 tiêu chí trở lên. 

Đạt được những thành quả đó, trước tiên phải nói đến sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội; đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân.

Kết quả thực hiện chương trình đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn; đời sống của nhân dân được cải thiện tích cực; cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp; đời sống văn hóa - xã hội của người dân được nâng lên, tạo được sự đồng thuận của toàn thể cộng đồng dân cư nông thôn; sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực...

Vấn đề cốt lõi và có ý nghĩa quyết định sự thành công của chương trình đó là cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nhận thức đúng về nhiệm vụ XDNTM, ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác trong XDNTM; phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, sự chủ động, sáng tạo của người dân, cách làm hay của chính người dân trong quá trình thực hiện, từ đó, huy động tốt sự tham gia đóng góp kinh phí, ngày công lao động trong XDNTM. Cùng với đó là sự quyết tâm, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ xã, thôn phải được thể hiện rõ nét và tích cực tham gia.

Qua 7 năm triển khai thực hiện chương trình XDNTM, toàn huyện đã đạt những kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực, trong đó có sự thay đổi đáng kể về hạ tầng giao thông nông thôn. 

Những tuyến đường từ trung tâm huyện đến trung tâm các xã, cụm xã đã cứng hóa 100% bằng bê tông và rải nhựa; đường trục xã, liên xã đã kiên cố hóa 210,4km, đạt 88,9%; đường trục thôn, liên thôn đã cứng hóa 158,48km, đạt 45,6%; đường ngõ xóm đã cứng hóa 79,117km, đạt 29,7%; các đường trục chính nội đồng đã cơ bản rải cấp phối bảo đảm đi lại thuận lợi phục vụ sản xuất...

 Hệ thống thủy lợi được quan tâm đầu tư, nâng cấp sửa chữa 54 công trình; kiên cố hóa 31km kênh mương. Các công trình sau khi nâng cấp, sửa chữa đã phát huy hiệu quả tưới tiêu và tăng diện tích phục vụ tưới tiêu cho hơn 700ha lúa.

Cùng với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện đã quan tâm đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn và xây dựng các mô hình liên kết phát triển kinh tế trên địa bàn để tiêu thụ sản phẩm nông - lâm sản cho nhân dân. Hàng năm, huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho từ 1.700 - 2.000 lao động; giải quyết việc làm mới cho 2.000 - 2.500 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 37%. Trong 7 năm qua, huyện đã hình thành một số mô hình liên kết trong sản xuất. 

Mô hình liên kết trong phát triển vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm măng tre Bát độ với Công ty TNHH Vạn Đạt, mở rộng diện tích tre măng Bát độ lên 2.500ha, sản lượng măng vỏ năm 2016 đạt 30.500 tấn, giá trị thu nhập đạt trên 30 tỷ đồng/năm. Mô hình liên kết chăn nuôi thỏ giữa Công ty Tư nhân Quang Thanh, xã Lương Thịnh với các hộ dân trên địa bàn huyện.

 Công ty ký kết hợp đồng với các hộ dân cung ứng giống thỏ, thức ăn, thuốc thú y và tư vấn kỹ thuật cho các hộ dân, đồng thời bao tiêu sản phẩm cho nông dân; mỗi năm, Công ty thu mua, xuất bán ra thị trường trên 20.000 thỏ thịt, thu nhập bình quân một hộ chăn nuôi thỏ quy mô 1.000 con/lứa, đạt 100 triệu đồng/năm. Mô hình liên kết giữa Hợp tác xã Chế biến chè xanh Bảo Hưng với các nhóm hộ trên địa bàn xã cho thu nhập từ 80 - 150 triệu đồng/ha...

Tiếp tục nỗ lực

Năm 2018 và 2019, huyện phấn đấu xây dựng 8 xã đạt chuẩn NTM và đến năm 2020 hoàn thành nốt 3 xã còn lại để huyện được công nhận là huyện đạt chuẩn NTM. Phát huy kết quả đã đạt được, Trấn Yên sẽ duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đối với 10 xã đã đạt chuẩn; xây dựng từ 1 - 2 xã đạt xã NTM kiểu mẫu; xây dựng 11 xã còn lại đạt chuẩn NTM. 

Phấn đấu đến năm 2020 đảm bảo hệ thống giao thông từ huyện đến trung tâm xã, đường liên xã được cứng hóa đạt 100%, tỷ lệ đường thôn, liên thôn được cứng hóa đạt 75%; thu nhập của người dân nông thôn đạt 1,5 lần so với năm 2015; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 50%; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 12%; nâng cao chất lượng y tế, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân...

Để đạt mục tiêu đó, Trấn Yên tiếp tục đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Huyện ủy, giám sát của HĐND, quản lý tổ chức thực hiện của UBND huyện, phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và sự đồng thuận cao trong nhân dân, phát huy tối đa vai trò của các tổ chức, đoàn thể quần chúng, tập hợp, huy động sức dân cùng chung tay XDNTM.

 Đồng thời, phân công cán bộ, công chức có trình độ, năng lực chuyên trách theo dõi chương trình XDNTM trên địa bàn các xã. Phân định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, xã trong triển khai thực hiện chương trình. Đồng thời, tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực cho XDNTM, triển khai và thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình, các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án phát triển giao thông nông thôn của tỉnh…

Ngoài ra, tiếp tục tập trung các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; tiếp tục đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, khuyến khích việc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng mô hình sản xuất phù hợp, thiết thực với từng địa phương; triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

 Theo đó, huyện sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng và phát triển bền vững các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa có năng suất, giá trị, gắn với cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm. 

Phát triển trồng tre măng Bát độ gần 4.000 ha; trồng dâu nuôi tằm 500ha; phát triển vùng quế 15.000 ha; trồng cây ăn quả 1.000 ha; phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết trong sản xuất…; đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Đặc biệt, phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, sự chủ động, sáng tạo của người dân, huy động tốt sự tham gia trong XDNTM của cộng đồng dân cư. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với các khu sản xuất nông nghiệp tập trung; xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng; xây dựng, nâng cấp các công trình, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, cơ sở vật chất trường lớp học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, bản.

Có thể nói, để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, huyện Trấn Yên đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ về Chương trình XDNTM. Đồng thời, huy động sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp và nhất là nâng cao vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư ở thôn, bản trong việc XDNTM.

 

1244 lượt xem
Theo Nhà báo và Công luận

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h