Tại phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu huyện Văn Chấn có ý kiến về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện và cơ cấu lại sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản trên địa bàn huyện Văn Chấn. Ước thiệt hại khoảng trên 440 tỷ đồng. Ngay sau khi xảy ra mưa lũ, huyện Văn Chấn đã huy động lực lượng tại chỗ bố trí chỗ ở tạm thời ngay cho các hộ bị trôi sập nhà hoàn toàn, các bộ phải di dời ra khỏi vùng nguy hiểm; có phương án cụ thể hỗ trợ gạo, tiền cho các hộ. Tính đến nay, huyện đã hỗ trợ được trên 2,7 tỷ đồng cho các hộ gia đình có người chêt, người mất tích, người bị thương, hộ có nhà bị trôi sập, bị hư hỏng nặng; huy động được 20 tấn gạo và đã hỗ trợ được 9,5 tấn, còn lại 10,5 tấn tại các trường học bán trú tại các xã. Đã bố trí giao đất tái định cư đợt 1 cho 155 hộ thuộc các đối tượng nhà bị trôi sập hoàn toàn và các hộ phải di dời khẩn cấp. Hiện tại, huyện đang chỉ đạo thành lập 04 Tổ công tác xuống cơ sở, trực tiếp đến các hộ, để tập trung thực hiện việc bố trí đất ở, làm lại nhà cho bà con. Đến nay chỉ còn xã An Lương là phương tiện cơ giới chưa đi được. Dự kiến trong khoảng 2 ngày tới sẽ thông toàn bộ các tuyến giao thông bị ảnh hưởng trên địa bàn huyện, để các phương tiện cơ giới có thể đến được. Hệ thống điện và thông tin liên lạc cơ bản đã được khắc phục trên địa bàn toàn huyện.
Đại biểu huyện Văn Chấn nêu lên một số khó khăn và có một số kiến nghị, đề nghị tỉnh xem xét, như: Đại bộ phận bà con bố trí nơi ở mới, làm lại nhà đều là các hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn; tài sản của một số hộ bị trôi mất hết, vì vậy cần có sự hỗ trợ, chung tay của cộng đồng, của chính quyền địa phương để làm l nữại nhà ở cho người dân. Hệ thống giao thông đã cơ bản đã thông tuyến đến trung tâm các xã, trung tâm các thôn, bản; tuy nhiên mới chỉ là bước đầu, tạm thời, chưa mang tính bền vững lâu dài, nếu gặp thời tiết bất lợi, mưa kéo dài, sẽ bị nguy cơ tiếp tục sạt lở, lại phải khắc phục sửa chữa, vì vậy cần có sự hỗ trợ của các ngành để tiếp tục sửa chữa hệ thống giao thông đặc biệt là khôi phục các tuyến đường liên thôn, bản và từ thôn, bản đến trung tâm xã; đồng thời tiếp tục khắc phục sửa chữa các hệ thống công trình thiết yếu khác như: nước sinh hoạt, hệ thống thủy lợi.
Đối với cơ cấu lại sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới, đại biểu đề nghị kỳ họp nên xem xét, cần quy định cụ thể hơn về chính sách hỗ trợ; nên quy định mức hỗ trợ lãi suất chênh lệch nằm trong khoảng từ 3-5%/năm đồng thời khống chế về kinh phí hỗ trợ không vượt quá 2,0 tỷ hoặc 3,0 tỷ đồng/dự án.
Đại biểu huyện Trấn Yên Nguyễn Thế Phước cho rằng: Việc ban hành Nghị quyết về quy định một số chính sách thực hiện thí điểm sắp xếp tổ chức bộ máy một số cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp; mức khoán kinh phí chi trả phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết, đảm bảo tính đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện việc sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Đồng thời cũng là một bước để thực hiện việc cải cách chính sách tiền lương, tiền công nâng cao thu nhập cho người lao động sau sắp xếp.
Ông Nguyễn Thế Phước khẳng định: Trong gần 3 năm thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả tích cực trên các mặt. Tuy nhiên do nhu cầu thị trường và yêu cầu phát triển hiện nay thì việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về vấn đề này là hết sức cần thiết và phù hợp. Đề nghị kỳ họp bổ sung thêm nội dung hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất từ khâu giống, thâm canh, canh tác đến thu hoạch và chế biến sản phẩm nông nghiệp để nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác; hỗ trợ chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất từ quy mô hộ gia đình cá thể sang tổ hợp tác và hợp tác xã với phương châm “3 cùng”; xem xét hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng tại các khu sản xuất tập trung, trong đó ưu tiên đầu tư cho giao thông và hệ thống thủy lợi…
Cũng tại phiên thảo luận tại hội trường, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương đã trao đổi làm rõ một số nội dung các đại biểu HĐND tỉnh đã có ý kiến tại phiên thảo luận tại tổ như: Chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng; chính sách chi trả phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố; các chính sách khuyến khích hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh…
Phát biểu kết luận thảo luận tại tổ và thảo luận tại hội trường, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu HĐND tỉnh. Các đại biểu thảo luận nghiêm túc, sôi nổi, thẳng thắn đã đóng góp ý kiến nội dung các báo cáo, tờ trình tại Kỳ họp.
Về thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo sát sao khắc phục hậu quả cơn bão số 3, sớm triển khai xong việc dựng lại nhà ở cho người dân, khôi phục sản xuất, giao thông thủy lợi…nhằm ổn định đời sống nhân dân; chủ động phòng, tránh trước diễn biến bất thường của thời tiết, không lơ là, chủ quan, nhất là nơi xung yếu, có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công, xây dựng các công trình cơ bản, nhất là công trình trọng điểm; tăng cường các giải pháp thu ngân sách; tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư đang triển khai dự án trên địa bàn tỉnh.
Trước 20/8, hoàn chỉnh dự toán thu chi ngân sách, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, việc chi ngân sách cần thực hiện theo thời kỳ ổn định ngân sách, tuy nhiên vẫn có sự điều chỉnh đối với những vấn đề cần thiết, cấp bách; việc điều chỉnh được thực hiện tối đa theo cơ chế khoán chi.
Về xây dựng cơ bản: Tập trung cho các công trình trực tiếp, trong đó ưu tiên danh mục các công trình mới, cấp bách cần phải đầu tư; hoàn thành việc phân cấp quản lý đầu tư xây dựng cơ bản đối với các huyện, thị xã, thành phố; hoàn thành việc giao chỉ tiêu sản phẩm chủ lực.
Chủ động hoàn thành đề án, tờ trình chuẩn bị cho kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2018. Trong đó tập trung thực hiện cơ chế xã hội hóa đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, rà soát lại các cơ sở trường học, giảm bớt việc học 2 buổi/ngày đối với lớp 4, 5 (cấp tiểu học). Hoàn chỉnh bộ chính sách đối với sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng, đề án sắp xếp thôn, bản, tổ dân phố tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tập trung các biện pháp thực hiện mục tiêu văn hóa xã hội: Chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới, phòng, chống dịch bệnh…
Tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18,19; chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức viên chức nghỉ việc theo nguyện vọng; hoàn thành và đưa vào hoạt động Bộ phận hành chính công cấp huyện.
Làm tốt công tác tuyên truyền tới cán bộ công chức, viên chức, người lao động, nhân dân tạo khí thế thi đua sôi nổi góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tiến Lập - Nguyễn Hiên