Năm
2011, khi bắt tay vào xây dựng chương trình nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền
xã xác định rõ những khó khăn: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên
và nhân dân về xây dựng nông thôn mới chưa thể thấu đáo; hạ tầng nông nghiệp và
nông thôn thiếu đồng bộ; tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp; chuyển dịch cơ cấu
kinh tế và cơ cấu cây trồng vật nuôi còn chậm, hình thức tổ chức sản xuất chậm
đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa…
Để
chương trình đạt được kết quả theo đúng lộ trình, xã đã tập trung làm tốt công
tác tuyên truyền giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa,
nắm được các bước tiến hành, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai
thực hiện. Quán triệt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, phát huy sức
mạnh toàn dân để lo cho dân”, tất cả các bước trong quy trình xây dựng nông
thôn mới đều được công khai, người dân được bàn bạc, tiếp thu, đóng góp ý kiến.
Trong
quy hoạch chung, xác định phát triển sản xuất là nội dung quan trọng quyết định
tính bền vững của NTM, do vậy những năm qua trên cơ sở quy hoạch xây dựng NTM với
3 vùng sản xuất lúa, 1 vùng sản xuất cây ăn quả, 1 vùng nuôi trồng thủy sản và
chăn nuôi tập trung, Âu Lâu đã thực hiện
đúng theo quy hoạch và cho năng suất, chất lượng cao. Ngoài ra, xã còn tập
phát triển nhiều mô hình sản xuất đem lại nguồn thu cao cho người dân địa phương.
Nhiều hộ từ chỗ thiếu ăn nay đã vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, nhiều hộ
dân đã thay đổi phương thức làm ăn chuyển đổi từ chỗ cấy lúa kém hiệu quả sang
đào ao thả cá đạt hiệu quả cao như hộ anh Vũ Hữu Đạo, thôn Nước Mát,
ngoài làm nông nghiệp,vợ chồng anh chị còn kết hợp chăn nuôi lợn và gia cầm
cho thu hoạch ước đạt 120 triệu đồng/năm.
Với đặc điểm là một
xã miền núi có diện tích canh tác chủ yếu là đồi rừng, mô hình kinh tế VACR được
chính quyền đặc biệt quan tâm, phổ biến đến từng hộ dân nhằm phát huy thế mạnh
của địa phương, tạo hiệu quả cao trong sản xuất. Trong số những hộ sản xuất
tiêu biểu áp dụng mô hình này phải kể đến gia đình anh Vũ Văn Sơn ở thôn Châu
Giang 1 vừa làm vườn trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi, đào ao thả cá cho
thu nhập hằng năm ước đạt 150 - 200 triệu đồng. Đặc biệt anh Sơn còn nhận
trồng 1,5 ha quế đã đến tuổi khai thác. Điều đáng nói hơn là từ nhiều năm
trước những nông dân này, đời sống khó khăn, nghèo đói đến nay họ không chỉ
thoát nghèo mà vươn lên làm giàu, mua sắm được các thiết bị đắt tiền phục vụ
cho cuộc sống.
Trong
quá trình thực hiện NTM, việc vận động nhân dân hiến đất để xây dựng cơ sở hạ tầng
cũng được người dân đồng tình hưởng ứng. Nhiều gia đình vừa mới đầu tư xây dựng
tường rào kiên cố, biết xã sẽ mở rộng tuyến đường, không những đồng ý hiến đất
mà còn tình nguyện phá bỏ bờ tường. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Được, 85
tuổi, thôn Cống Đá, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái là một trong số các hộ đi đầu
hiến gần 300m2 đất để thực hiện làm đường giao thông nông thôn kiên cố, tạo thuận
lợi cho việc đi lại của bà con cũng như phát triển kinh tế. Khi nói về việc hiến
đất làm đường, ông chia sẻ: “Tôi là người đã sống qua các cuộc chiến tranh và
nhận thức rõ chỉ có ở chế độ này, dưới sự lãnh đạo của Đảng thì mới có sự đồng
thuận, nhất trí cao. Mọi việc, người dân chúng tôi đều được phổ biến và tham
gia, làm nông thôn mới người hưởng lợi đầu tiên là dân, đường làng
ngõ xóm sạch đẹp, việc hiến đất của tôi có gì to tát đâu. Có con đường rộng,
không còn trơn trượt như trước, người già chúng tôi đi tập thể dục vui lắm…”.
Đồng chí Lê Toàn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Âu Lâu cho
biết: Qua công tác tuyên
truyền vận động, ý thức của người dân được nâng lên, người dân hiểu rõ xây dựng
nông thôn mới là quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Mục tiêu xây dựng nông thôn mới
chủ yếu là sản xuất phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, nâng cấp cơ sở hạ tầng
kinh tế - xã hội và người dân có vai trò là chủ thể quan trọng. Từ đó,
đã tích cực tham gia thể hiện qua các việc làm cụ thể như: Hiến đất, hoa màu, tự
tháo dỡ các công trình vật kiến trúc, đóng góp tiền, ngày công lao động xây dựng
đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa, các công
trình thủy lợi; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo
cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải; 50% đường trục thôn
xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT. Hiện nay, 100% đường ngõ xóm không lầy lội vào mùa mưa và 50% cứng hóa; 50% đường trục
chính nội đồng được cứng hóa xe cơ giới đi lại thuận tiện...
Qua 5 năm kiên cố hóa đường GTNT được 11,7
km đường giao thông, nâng tổng số đường giao thông được kiên cố đạt 17,6 km,
đạt 86% đường giao thông trên địa bàn được kiên cố hóa, với tổng mức đầu tư
13,4 tỷ đồng (Nhà nước hỗ trợ 10,6 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 2,7 tỷ đồng).
Đường giao thông nội đồng được kiên cố hóa 5,4km (với tổng số vốn đầu tư
2,144 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 1,328 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 0,816 tỷ đồng). Các đường trục chính không còn đường đất, đường làng ngõ xóm được kiên cố
hóa, cứng hóa sạch sẽ, thuận tiện cho đi lại và sinh hoạt của nhân dân. Nhiều tuyến nội đồng kết hợp thủy lợi được làm mới và nâng
cấp đúng chuẩn đường nông thôn mới, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng
hóa và phục vụ sản xuất của nhân dân. Ngoài ra, hệ thống điện lưới quốc gia,
trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn xóm cũng được đầu tư
xây dựng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Sau 5
năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, diện mạo xã Âu Lâu đã thay
đổi. Đến các khu dân cư hôm nay không còn cảnh bụi mù khi trời nắng, lầy lội
khi trời mưa. Nhờ có sự định hướng đúng đắn trong phát triển kinh tế, mà cơ cấu
ngành nghề của xã chuyển đổi theo hướng lao động khu vực công nghiệp -
tiểu thủ công , Âu Lâu đã chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật
nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, thâm canh tăng vụ, khai thác triệt
để quỹ đất có khả năng canh tác, tích cực đưa các giống mới phù hợp với điều
kiện thổ nhưỡng, tự nhiên của địa phương vào sản xuất bằng các chính sách hỗ trợ của tỉnh và thành phố, qua 5 năm triển khai đã
có 48 dự án mô hình phát triển
kinh tế được thực hiện 25 dự án chăn
nuôi lợn; 07 nuôi cá lồng; 14 dự án chăn nuôi gà, 02 dự án chăn nuôi thỏ với
tổng số tiền hỗ trợ là 625 triệu đồng
theo quy định. Đồng thời, bằng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc
gia, đã triển khai hỗ trợ thực hiện các mô hình hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt cụ thể như: Hỗ trợ 11 chiếc máy (05
máy tách hạt ngô, 04 máy làm đất đa năng, 02 máy tuốt lúa liên hoàn); hỗ trợ
con giống cho 13 hộ nuôi thỏ, gần 10.000 cây su hào trái vụ, cây cà chua ghép
trên gốc cây cà tím cây cho 7 hộ với diện tích 2.520 m2; hỗ trợ con
giống cho 65 hộ nghèo, hộ cận nghèo (nuôi gà Ri lai mỗi hộ 100 con) và mô hình
trồng chanh tứ thời 27 hộ tham gia với diện tích 15.720m2. Tổng kinh
phí hỗ trợ là 710 triệu đồng. Số hộ có đời sống khá trở lên chiếm tỷ lệ 32%;
Số hộ trung bình 61,1 %; Số hộ nghèo 5,28%; Số hộ có ô tô con, xe tải hạng
nhẹ chở hàng hóa 42 hộ.
Thành công của phong
trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới ở xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái,
tỉnh Yên Bái cho thấy sự nhất trí, đồng thuận của cấp ủy Đảng, chính quyền và
nhân dân địa phương đã tạo hiệu quả rõ rệt. Đó không chỉ là bài học về công tác
dân vận tốt để nhân dân tin tưởng và làm theo mà những chủ trương đúng, những
mô hình kinh tế giúp người dân địa phương vươn lên làm giàu sẽ tạo ra bước đệm
cho sự phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững cho địa phương này.