Để hiểu
rõ hơn về nông thôn mới (NTM), chúng tôi đã về xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái),
xã đầu tiên của tỉnh Yên Bái được công nhận đạt chuẩn NTM (tháng 5/2015). Những
con đường bê tông phẳng phiu nối liền các thôn và chạy ra các xứ đồng uốn lượn
vòng quanh, những ngôi nhà khang trang kính màu lộng lẫy, trạm xá, trường học
được xây dựng khang trang, những cánh đồng rau màu, lúa mùa đang thì con gái
xanh mướt một màu... Đó là những đổi thay ở Tuy Lộc sau 5 năm xây dựng NTM.
“Đổi
thay rõ nét nhất, hiệu quả nhất không phải là hạ tầng hay các thiết chế văn hóa
mà chính là các hình thức tổ chức sản xuất đã được cải tiến, hàm lượng khoa học
kỹ thuật trong sản xuất nhiều hơn, hiệu quả hơn” - Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc
Nguyễn Đức Luận phấn khởi cho biết.
Sự khởi
sắc trong các khu dân cư, cơ sở vật chất, đời sống tinh thần người dân đã đẹp
và vui nhưng những biến đổi sâu xa trong tâm hồn người dân rất đỗi tự hào. Chỉ
cách đây 3 năm về trước, điều mà Đảng bộ, chính quyền nơi đây lo lắng nhất, băn
khoăn nhất, suy tư nhất không phải là xây dựng cơ sở vật chất mà làm sao để
người dân hiểu rõ được NTM, cách làm mới, tư duy mới trong sản xuất. Bởi Tuy
Lộc đất ruộng không nhiều, lại là xã vùng ven đô trong khi đời sống nhân dân
lại chủ yếu là thuần nông. Thế rồi, các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên vào
cuộc tích cực tuyên truyền, vận động, người dân đã dần hiểu và đã tạo sức lan
tỏa mạnh mẽ.
Đường
lối đúng, chỉ đạo sát thực tế, người dân đồng thuận các tiêu chí về NTM ngày
một hoàn thiện và chỉ hơn 3 năm triển khai, Tuy Lộc đã cán đích NTM vào tháng
5/2015. Cán đích NTM là một sự nỗ lực rất cao của Tuy Lộc, nhưng khi cán đích
rồi lại đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây làm gì để giữ vững
và phát huy cho hiệu quả? Ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân tích cực
chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sản xuất theo thị trường và theo hướng hàng hóa.
Hàng
tháng, các ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã xuống họp với thôn lắng nghe những
khó khăn, kiến nghị, phát sinh từ cơ sở để kịp thời có giải pháp phù hợp. Nhờ
vậy, đã cán đích hơn một năm nhưng nhiệt huyết của người dân không hề giảm,
nhân dân vẫn tự nguyện hiến trên 7.000 m2 đất thổ cư, đất sản xuất và đóng góp
gần 1 tỷ đồng để tiếp tục xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Với lợi thế trên
40 ha rau màu, người dân đã biết đầu tư xây dựng và áp dụng sản xuất rau an
toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Gia
đình bà Lê Thị Lương ở thôn Bái Dương mỗi năm thu nhập cả trăm triệu đồng từ
sản xuất rau. Với diện tích hiện có, trước đây, gia đình chỉ sản xuất 2 vụ rau
nhưng nay đã sản xuất luân canh gối vụ, nhờ vậy, hiệu quả rất cao. Hay như gia
đình ông Nguyễn Văn Nhâm lại chọn sản xuất nấm và mộc nhĩ để phát triển kinh tế
gia đình. Chỉ tính riêng trong năm 2015, với 15 ngàn bịch nấm, ông đã thu trên
7 tấn nấm và hàng trăm ki-lô-gam mộc nhĩ bán ra thị trường thu trên 140 triệu
đồng.
Hiện
nay, toàn xã có 20 mô hình chăn nuôi lợn có quy mô 50 con trở lên theo Chương
trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM phát huy hiệu quả rất tốt. Mới đây
nhất, xã đã thành lập tổ hợp tác với sự tham gia của 54 hộ dân trồng rau, để
sản xuất thử nghiệm mô hình rau sạch với diện tích 3 ha với tổng vốn đầu tư
khoảng 500 triệu đồng; trong đó, nhân dân đóng góp 250 triệu đồng.
Rút
kinh nghiệm từ các mô hình trước, lần này, tổ hợp tác đã cử một số hộ đi học
tập kinh nghiệm trồng và sản xuất, một số hộ nghiên cứu thị trường, một số liên
hệ ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định... Đó là những nét mới, suy nghĩ mới, cách
làm mới ở một xã NTM đầy hứa hẹn. Từ những hướng đi, việc làm cụ thể, thu nhập
của người dân nâng lên trông thấy. Nếu như khi đón nhận NTM, thu nhập bình quân
đầu người mới đạt 25 triệu đồng/người/năm thì một năm sau đã lên 26,5 triệu
đồng/người/năm và dự kiến hết năm 2016 sẽ đạt 27 triệu đồng/người/năm.
Kỹ sư
nông nghiệp Nguyễn Thị Mừng vừa đưa chúng tôi đi thăm quan các mô hình trồng
rau an toàn vừa cho biết: “Sự thay đổi rõ nét là người dân không chỉ áp dụng
khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà nay đã biết liên kết trong sản xuất, đó là cơ
sở quan trọng cho sản xuất hàng hoá bền vững!”.
Những
điều tôi nghe thấy, nhìn thấy và cả những con số đã chứng minh cho ta thấy sự
đổi thay ở một xã NTM. Vẫn biết Tuy Lộc là xã thuần nông nhưng bù lại là xã
vùng ven đô, có đường bộ, đường thủy, thuận lợi giao lưu buôn bán, trao đổi
hàng hóa, trình độ dân trí cao, nguồn lao động dồi dào. Đặc biệt, đội ngũ lãnh
đạo xã trẻ, năng động, sáng tạo cùng sự đồng thuận cao của người dân, chắc chắn
nơi đây sẽ trở thành một xã giàu có, văn minh bậc nhất của Yên Bái!
Theo Báo Yên Bái